Ngược dòng lịch sử toàn cầu hóa của Huawei
Cách đây 25 năm, ông Nhiệm Chính Phi – một cán bộ phục viên quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, khi đó 43 tuổi, và các cộng sự khởi nghiệp cùng lúc mở cửa đặc khu kinh tế Thẩm Quyến, với số vốn ban đầu chỉ 20.000 Nhân dân tệ. Lúc đó, Huawei là một công ty thương mại tư nhân được ra đời với giấc mơ kinh doanh trên miền đất hứa. Ban đầu, công ty này là nhà phân phối các thiết bị tổng đài PBX cho một hãng của Hong Kong. Tuy nhiên, tới năm 1990, Huawei đã tự nghiên cứu và sản xuất thiết bị tổng đài riêng của mình; và từ đó, mỗi năm công ty này chi khoảng trên 10% tổng doanh thu cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D). Năm 1995, Huawei quyết định phát triển và sản xuất thiết bị thông tin di động. Thời điểm đó, chưa ai biết được rằng công nghệ di động sẽ phát triển và mang lại lợi ích thế nào cho cuộc sống. Lúc này, Huawei vẫn là một công ty nhỏ và phải đầu tư rất lớn cho nghiên cứu sản phẩm mới, nếu thất bại công ty rất dễ phá sản nhưng ban lãnh đạo vẫn quyết định mạo hiểm.
Đến năm 1997, công ty này đã lớn mạnh ở nội địa (đạt doanh thu 1 tỷ USD với 2.000 nhân viên) và quyết tâm vươn lên trở thành một tập đoàn toàn cầu. Năm đó, Huawei có được hợp đồng đầu tiên ngoài Trung Quốc đại lục với Hutchison Telecommuncation tại Hong Kong. Trên thực tế, ngay tại thị trường nội địa, Huawei gặp phải cạnh tranh rất mạnh đến từ nước ngoài. Thế nhưng, tập đoàn của Trung Quốc đã thành công trong việc thực thi chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. Khởi đầu ở nông thôn, Huawei tập trung vào những nhu cầu cụ thể của khách hàng, và cung cấp các sản phẩm phù hợp nhất cho thị trường nội địa. Đi kèm với đó, sản phẩm từ các trung tâm R&D của công ty này không ngừng ra đời, với công nghệ mới có thể cạnh tranh ngang ngửa với những tập đoàn công nghệ quốc tế như Alcatel, Ericsson, Motorola… Sau hơn 10 năm toàn cầu hóa, doanh thu của Huawei tăng từ 1 tỷ lên 35, 4 tỷ USD vào năm 2012, trong đó 66% doanh thu là đến từ các thị trường nước ngoài. Lợi nhuận của tập đoàn này năm 2012 đạt 2, 5 tỷ USD (tăng 32% so với 2011). Tập đoàn Trung Quốc đã có văn phòng tại 140 quốc gia trên toàn thế giới (trong đó có Việt Nam) với số lượng nhân viên là 150.000 người.
Sức mạnh của R&D
Khi nhìn vào Huawei – một công ty Trung Quốc, nhiều người không hiểu tại sao tập đoàn này lại chỉ đứng sau Ericsson trên thị trường thiết bị viễn thông, vượt mặt các đối thủ lừng lẫy một thời như Motorola, Alcatel, Siemens… Thế nhưng, nếu nhìn vào ngân sách cho nghiên cứu phát triển và số lượng bằng sáng chế mà tập đoàn này có được trong những năm gần đây, người ta có thể hiểu được phần nào.
Năm 2012, tập đoàn này chi tới 4, 8 tỷ USD cho R&D (Apple chi 3, 4 tỷ USD trong cùng năm) và có tới 45% nhân viên của Huawei trên toàn thế giới (70.000 người) làm công tác này. Trong 10 năm qua, hãng đã chi tới 19 tỷ USD cho R&D và hiện có 16 trung tâm R&D trên khắp thế giới.
Năm 2008 hãng này đăng ký số lượng bằng sáng chế (patent application) đứng đầu thế giới, nhiều hơn bất kỳ công ty nào trên thế giới và trong những năm gần đây luôn đứng trong top 5 các công ty hàng đầu thế giới về số lượng bằng phát minh, sáng chế và sở hữu trí tuệ (không chỉ đứng đầu trong lĩnh vực viễn thông mà đứng đầu cả trong các ngành, các lĩnh vực khác). Những con số trên phần nào giải thích cho “cơn sóng” Huawei lan tràn khắp thế giới trong vài năm gần đây.
Trao đổi với các nhà báo Việt Nam, ông Scott Sykes chia sẻ: “Nhiều người nói rằng, Huawei chiến thắng trong nhiều vụ đấu thầu thiết bị viễn thông là nhờ giá rẻ. Thế nhưng, họ không hiểu rằng, các hãng viễn thông di động luôn đặt chất lượng lên trên hết và không bao giờ đặt cược thương hiệu cũng như hạ tầng trị giá nhiều tỷ USD của mình vào tay những nhà cung cấp có công nghệ không tốt”.
Vị phó chủ tịch người Mỹ nói thêm: “Ngoài công nghệ, điều giúp chúng tôi thắng lợi trong việc cung cấp thiết bị viễn thông cho nhiều nhà mạng trên khắp thế giới là triết lý: ‘Chúng ta không nên giàu hơn khách hàng của mình’. Điều này có nghĩa là Huawei cam kết đem tới những sản phẩm với giá cạnh tranh và công nghệ tiên tiến nhất, giúp khách hàng của mình có thể đứng vững trên thị trường, kiếm lợi nhuận tốt. Nếu bán với giá cao, khách hàng kinh doanh không hiệu quả thì làm sao Huawei có thể phát triển bền vững?”.
Cuộc chơi mới: Smartphone
Trở thành người khổng lồ trong lĩnh vực thiết bị viễn thông, Huawei nhảy sang lĩnh vực sản xuất thiết bị di động trong 2 năm gần đây. Kết thúc quý IV/2012, tập đoàn này bất ngờ vươn lên vị trí số 3 thế giới về sản xuất smartphone (sau Samsung và Apple). “Chúng tôi có nhiều năm kinh nghiệm cung cấp thiết bị và công nghệ cho các mạng di động, hiểu rất rõ về mạng viễn thông nên thiết bị của chúng tôi có hiệu suất vận hành rất cao so với các đối thủ về tốc độ. Khi chúng tôi phát triển mạng viễn thông, chúng tôi cũng phát triển các sản phẩm chip cùng với đó. Không ai khác có thể làm được như vậy mà chỉ có Huawei mới có thể làm được”, vị Phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Huawei chia sẻ.
Bí ẩn câu chuyện toàn cầu hóa của Huawei Smartphone là trận chiến mới của Huawei. Ảnh: Nguyễn Thúy Ông này cũng thẳng thắn thừa nhận, vị trí số 3 trên thị trường vào quý IV/2102 là quá mong manh và Huawei chỉ đang cố gắng sống sót trong thị trường smartphone chứ chưa nghĩ tới việc vượt 2 người khổng lồ là Samsung và Apple. “Họ sở hữu rất nhiều tài năng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này, có nhiều nguồn lực mạnh, với thị phần mỗi công ty là trên 20% trên toàn thế giới, còn chúng tôi mới có gần 5% nên thu ngắn khoảng cách là không hề dễ dàng”, ông Scott nói. Tuy nhiên, nhà sản xuất thiết bị viễn thông hàng đầu thế giới vẫn ôm mộng thực hiện một cú nhảy vọt trên thị trường smartphone.
Ông Thomas Liu - Giám đốc điều hành mảng thiết bị đầu cuối của Huawei Đông Nam Á cho biết, vào ngày 18/6/2013, tập đoàn này sẽ họp báo công bố chiếc smartphone “quan trọng nhất trong lịch sử” của hãng tại London (Anh) với những màn ra mắt hoành tráng. “Chúng tôi hy vọng sẽ bán được 60 triệu smartphone trên toàn cầu năm 2013. Tại Việt Nam, chúng tôi dự kiến sẽ bán 400.000 chiếc và đang triển khai các kế hoạch marketing mới”, ông Thomas Liu nói. Chia sẻ về công thức cạnh tranh trên thị trường smartphone, ông Thomas Liu cho biết, Huawei chưa phải là người dẫn đầu về xu hướng như Samsung hay Apple nên cần tập trung vào những nhu cầu cụ thể của khách hàng. Cũng như chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị” trên thị trường thiết bị viễn thông,
Huawei tập trung trước tiên vào thị trường smartphone bình dân với sự liên kết của các mạng di động trên khắp thế giới. Tiếp đó, hãng thiết bị này cũng đưa dần ra thị trường những smartphone “bom tấn” với thiết kế và công nghệ độc đáo so với ông lớn di động như Samsung, Apple. “Bám sát nhu cầu của khách hàng là yếu tố giúp chúng tôi thành công trước đây và Huawei sẽ tiếp tục định hướng này trong lĩnh vực sản xuất smartphone. Chúng tôi hy vọng cũng có thể tạo nên những bước phát triển mạnh ở thị trường này”, ông Thomas Liu nói. Sau hơn 2 năm, Huawei đã có những thành tựu ban đầu với smartphone nhưng hãng thiết bị viễn thông này có thành công với lĩnh vực mới hay không thì cần chờ thời gian mới có câu trả lời.