[ Dân trí ] Theo lộ trình Số hoá truyền hình của Bộ TT&TT, 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương sẽ ngừng phát sóng các kênh truyền hình analog để chuyển sang truyền hình số mặt đất. Do đó, ngay từ bây giờ, người dân cần chuẩn bị các thiết bị sẵn sàng để việc chuyển đổi được tốt nhất.
Bài học từ Đà Nẵng và Bắc Quảng NamVào ngày 1/7 vừa qua, Đà Nẵng đã thực hiện việc tắt sóng 3 kênh truyền hình analog VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1.
Vì tâm lý chờ đợi "nước đến chân mới nhảy" mà ngay khi tắt sóng, nhiều hộ dân sinh sống tại Đà Nẵng và Bắc Quảng Nam đã không sẵn sàng để chuyển đổi vì thiếu thiết bị thu phát sóng DVB-T2.
Trong những ngày đầu tiên chuyển đổi theo đúng lộ trình số hóa truyền hình của chính phủ, người dân tại Đà Nẵng ồ ạt đi mua sắm các thiết bị chuyển đổi DVB-T2. Tuy nhiên, lượng cầu quá lớn trong khi lượng cung lại thấp hơn rất nhiều.
Theo như tìm hiểu của chúng tôi, các nhà cung cấp thiết bị tại địa phương đã không tính toán trước tâm lý của người dân và họ không sẵn sàng nhập nguồn hàng về trước để đáp ứng nhu cầu.
Chính điều này dẫn đến việc nhiều hộ dân chấp nhận đi mua sắm các thiết bị chuyển đổi không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật đang lưu thông trên thị trường.
Phải mất đến 2 tuần, lượng thiết bị đạt tiêu chuẩn mới đủ để phục vụ cho người dân.
Cần chuẩn bị gì trước khi chuyển đổi?
Từ bài học của Đà Nẵng ở trên, người dân các tỉnh thành khác cần nắm rõ lộ trình chuyển đổi của địa phương mình để chuẩn bị sẵn sàng các thiết bị cần thiết.
Theo lộ trình của Bộ TT&TT, giai đoạn một tính đến ngày 31/12/2015, 5 thành phố trực thuộc Trung ương gồm Hà Nội (cũ), TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ bắt đầu ngừng phát sóng các kênh chương trình analog (tương tự) để chuyển sang truyền hình số mặt đất.
Giai đoạn hai kết thúc trước ngày 31/12/2016 bao gồm Hà Nội (mở rộng), Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Thái Bình, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Bắc Giang, Phú Thọ, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang.
Giai đoạn 3 và 4 hoàn thành vào 31/12/2020 và áp dụng với các tỉnh còn lại trên cả nước.
Dựa trên lộ trình của Bộ TT- TT, người dân cần mua sắm các thiết bị DVB-T2 trước để sẵn sàng cho việc chuyển đổi truyền hình mặt đất.
Người dân nên lựa chọn các thương hiệu uy tín trong nước như VTC Digital, hay sản phẩm của VTV là VTVBroadcom...
Sử dụng cáp không cần mua đầu thu
Người dân cũng cần nắm rõ thông tin rằng, DVB-T2 đây là chuẩn truyền hình kỹ thuật số mặt đất và được phát sóng miễn phí dành cho tất cả người dùng. Để sử dụng bắt buộc phải có bộ giải mã DVB-T2 để chuyển đổi.
Tuy nhiên, tại Việt Nam, hiện đang áp dụng ba chuẩn thu phát tín hiệu truyền hình kỹ thuật số gồm: DVB-T2 và DVB-S2 (truyền hình kỹ thuật số vệ tinh) và DBV-C2 (truyền hình kỹ thuật số cáp).
Trong đó, đối với truyền hình DVB-S2 và C2, đây là truyền hình trả phí và khi tắt analog đi vẫn không ảnh hưởng đến việc mất tín hiệu và người dân không cần chuyển đổi.
Đơn cử như, nếu người dân đang sử dụng gói truyền hình của An Viên, khi tín hiệu Analog tắt đi, thì họ vẫn có thể sử dụng bình thường với chuẩn này, bởi đây là dịch vụ trả phí và tất nhiên sẽ được hỗ trợ thay đổi hoặc trợ giá thiết bị để người dùng có thể xem được các kênh được phát sóng. Điều này không ảnh hưởng đến việc TV có hỗ trợ DVB-T2 hay không.
Khi mua sắm TV mới, người dân phải yêu cầu nhân viên bán hàng cho xem các mặt hàng có tích hợp đầu thu DVB-T2. Và nhất quyết không nên mua những TV không tích hợp đầu thu. Người dân có thể phân biệt bằng mắt thường sự khác biệt của TV chuẩn mới và TV cũ thông qua logo SHTT.
Với một TV được tích hợp bộ giải mã KTS DVB-T2 sẽ tạo thuận lợi cho khách hàng được tận hưởng các chương trình phát sóng KTS không mã hóa với nhiều ưu điểm: nhiều kênh hơn, nhiều thông tin về phụ đề/thuyết minh, chất lượng hình ảnh và âm thanh vượt trội, tỉ lệ khung hình phù hợp, truyền hình độ phân giải HD, truyền hình 3D.